15/08/2023
Khi bước vào độ tuổi trung niên, mật độ xương suy giảm là lúc chúng ta phải đối mặt với nguy cơ bệnh loãng xương. Bệnh thường diễn tiến âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng. Một số trường hợp chỉ khi gặp biến chứng, bệnh mới được phát hiện. Vì thế, mỗi cá nhân nên chủ động tìm hiểu và có biện pháp phòng ngừa loãng xương để làm chậm quá trình này.
Hình ảnh loãng xương
Loãng xương không có triệu chứng rõ ràng, thường khi xuất hiện các biểu hiện thì bệnh đã ở mức độ nặng. Khoảng 60% trường hợp xẹp đốt sống do loãng xương không có biểu hiện lâm sàng.
Các triệu chứng phổ biến của loãng xương bao gồm:
Đau nhức đầu xương: đây là triệu chứng dễ nhận thấy nhất, người bệnh sẽ có cảm giác mỏi dọc các xương dài, thậm chí đau nhức như bị kim chích toàn thân
Đau ở vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể thường xuyên như: cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối, những cơn đau lặp lại nhiều lần sau chấn thương, cơn đau thường âm ỉ và kéo dài lâu. Những cơn đau tăng lên khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ.
Đau ở cột sống, thắt lưng hoặc hai bên liên sườn, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa. Những cơn đau trở nặng khi vận động mạnh hoặc bất ngờ thay đổi tư thế. Vì vậy, người có dấu hiệu bị loãng xương thường rất khó thực hiện những tư thế như cúi gập người hoặc xoay hẳn người.
Gù, giảm chiều cao: Khi một người có giảm chiều cao từ 3cm/2 năm là dấu hiệu của bệnh loãng xương.
Gãy xương sau những cú ngã nhẹ. Đây là biến chứng của loãng xương. Với tất cả trường hợp gãy xương sau những va chạm nhẹ, gãy xương tự phát cần được đo loãng xương.
Giảm mật độ xương khiến xương ở cột sống có thể bị xẹp gây ra các cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi khom và gù lưng.
Lưng gù, giảm chiều cao là dấu hiệu cho thấy loãng xương
Nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu nào như trên hoặc nghi ngờ bị loãng xương bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời hoặc liên hệ đến tổng đài miễn cước 1800.646866 để được dược sĩ tư vấn chi tiết.
Có nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh này, bao gồm những tác động từ chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, rèn luyện của bản thân và cả những yếu tố bên ngoài.
Trong cơ thể liên tục diễn ra quá trình tạo xương và hủy xương. Khi còn trẻ, quá trình tạo xương “thắng thế” nên khối lượng xương tăng lên và đạt đỉnh vào những năm 20 tuổi. Độ tuổi càng cao, đặc biệt là người lớn tuổi, quá trình hủy xương diễn ra mạnh mẽ hơn. Khi đó khối lượng xương dần giảm sút dẫn tới hiện tượng loãng xương.
Khi nồng độ estrogen ở nữ giới suy giảm, thường là trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh sẽ gây mất xương. Trong khi đó, nồng độ testosterone thấp có khả năng gây ra căn bệnh này ở nam giới. Việc suy giảm testosterone có thể xảy ra do tuổi tác hoặc áp dụng các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Một số loại thuốc nếu dùng với hàm lượng lớn, trong thời gian dài có thể gây ra căn bệnh này. Các loại thuốc có thể kể đến là: Corticoid, heparin, thuốc lợi tiểu,… Trong đó, corticoid ức chế quá trình hấp thụ canxi ở ruột và thúc đẩy đào thải canxi qua thận. Do đó, nó ảnh hưởng đến việc sản xuất xương.
Tác dụng phụ của một số thuốc cũng gây ra loãng xương
Đôi khi loãng xương có thể là biến chứng của một số căn bệnh khác. Do đó, người bệnh cần cẩn trọng khi mắc phải một trong số những bệnh lý như: Cường giáp, tiểu đường, gan mạn tính, bệnh thận, viêm khớp dạng thấp…
Sự mất cân bằng trong chế độ dinh dưỡng cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Trong bữa ăn hàng ngày nếu thiếu đi các loại thực phẩm chứa canxi và vitamin D. Điều này sẽ khiến xương không được cung cấp đủ dưỡng chất, thiếu “nguyên liệu” cho quá trình tạo xương.
Một trong những thói quen xấu của nhiều người trong xã hội hiện đại là ngại vận động trong sinh hoạt hàng ngày cũng như tập thể thao. Hạn chế vận động sẽ làm tăng nguy cơ mất canxi trong xương. Thêm vào đó, sự dẻo dai cùng sức mạnh cơ bắp cũng giảm sút, ảnh hưởng tới sức khỏe của xương.
Mục tiêu điều trị là tăng cường khối lượng xương, giảm hủy xương. Từ đó ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra do loãng xương. Thông thường quá trình chữa trị sẽ kéo dài khoảng 3- 5 năm. Sau 1- 2 năm điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành đo lại mật độ xương để đánh giá hiệu quả và điều chỉnh phác đồ nếu cần.
Loãng xương uống thuốc gì là mối băn khoăn chung của người bệnh. Các loại thuốc có thể được chỉ định để chữa bệnh loãng xương như:
Nhóm thuốc Bisphosphonates: Thuốc có dạng uống và dạng tiêm bao gồm Alendronat, Ibandronate… giúp ngăn chặn sự mất xương
Thuốc tác dụng kép Strontium ranelate: Tác dụng kép được đề cập tới ở đây chính là khả năng vừa kích thích tạo xương vừa ức chế hủy xương. Thuốc được kê cho đối tượng chống chỉ định hoặc không dung nạp Bisphosphonates.
Thuốc Calcitonin: Được dùng dưới dạng xịt qua niêm mạc mũi hoặc tiêm dưới da. Nó được chỉ định cho phụ nữ đã mãn kinh ít nhất 5 năm để giúp giảm gãy xương sống.
Liệu pháp hormone: Việc tăng cường estrogen đối với nữ giới trong và sau thời kỳ mãn kinh sẽ giúp ngăn chặn quá trình hủy xương. Tương tự việc bổ sung testosterone ở nam cũng giúp tăng tạo xương. Tuy nhiên, việc bổ sung hormone dạng này cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ như: Lạm dụng sẽ làm mất khả năng nội sinh của cơ thể, tăng khả năng mắc bệnh tim và đông máu.
Thuốc làm tăng quá trình đồng hóa: Deca Durabolin, Durabolin… Loại thuốc này thường được dùng phối hợp với các loại thuốc và phương pháp khác trong trường hợp cần thiết.
Viên uống bổ sung canxi và vitamin D: Giúp bù đắp lượng canxi, vitamin D thiếu hụt.
Khi bị loãng xương người bệnh sẽ rất dễ bị gãy xương ngay cả đối với những va chạm nhẹ trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó, để đề phòng biến chứng gãy xương do loãng xương, người bệnh có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ.
Người cao tuổi có thể dùng gậy chống, khung tập đi, mang giày gót thấp, độ ma sát tốt để tránh trơn trượt. Thêm vào đó, để tránh vấp ngã, hãy thu dọn các chướng ngại vật, đảm bảo phòng đầy đủ ánh sáng, lắp đặt các thanh vịn trong phòng tắm và những chỗ cần thiết trong nhà.
Dùng gậy hỗ trợ để phòng biến chứng gãy xương
Loãng xương có thể gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống vì vậy việc phòng ngừa loãng xương là vô cùng cần thiết. Dưới đây là 1 số lưu ý để phòng loãng xương:
Xây dựng bữa ăn đủ dinh dưỡng, đặc biệt cần bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D, magie như: Sữa và các chế phẩm từ sữa, cá béo, rau màu xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt… Hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối, nội tạng động vật. Không uống rượu bia, hút thuốc lá.
Giữ cân nặng ở mức cho phép, không để thừa cân, béo phí nhưng cũng không được để cơ thể quá gầy.
Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, vừa sức. Tập thể dục ngoài trời trong khoảng thời gian từ 6 – 9 giờ sáng là cách tăng cường vitamin D tốt.
Tích cực điều trị các bệnh lý khác có nguy cơ gây loãng xương.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ, đo mật độ xương nếu nằm trong nhóm nguy cơ cao.
Theo thời gian, sự lão hóa của hệ thống xương khớp là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, mỗi cá nhân nên chủ động tìm hiểu và có biện pháp phòng ngừa loãng xương để làm chậm quá trình này. Nếu có bất kì băn khoăn gì về vấn đề loãng xương, hãy liên hệ đến tổng đài miễn cước 1800.646866 để được dược sĩ tư vấn chi tiết.
Nguồn tham khảo:
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4443-osteoporosis
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/osteoporosis/symptoms-causes/syc-20351968