01/08/2023

Táo bón- Điều trị và phòng ngừa như thế nào?


Táo bón là tình trạng tần suất đi ngoài ít hơn bình thường, có kèm phân khô cứng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nếu không có biện pháp xử lý kịp thời. Vậy táo bón là gì, điều trị và cách phòng ngừa như thế nào, hãy cùng Thuốc Tốt 3 Miền tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Táo bón là gì? 

Táo bón là một tình trạng bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, với triệu chứng phân khô và cứng dẫn đến khó đi đại tiện kèm cảm giác đau hậu môn, thời gian đại tiện và rặn phân kéo dài hoặc nhiều ngày mới đi một lần (tần suất ít hơn 3 lần/tuần).

Tình trạng táo bón thường tự khỏi sau một thời gian ngắn và không nghiêm trọng khi thay đổi chế độ ăn uống, thói quen đi vệ sinh. Tuy nhiên, táo bón kéo dài là dấu hiệu cảnh báo bệnh đại tràng, suy giáp trạng, tăng canxi máu, nhiễm độc chì, suy nhược cơ thể…

Nguyên nhân gây táo bón 

Tình trạng táo bón ở trẻ em chủ yếu do chế độ ăn uống và thói quen đi vệ sinh thiếu khoa học. Đối với người lớn, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh, một số nguyên nhân thường gặp như:

Chế độ ăn uống không khoa học

Đây là thói quen thường gặp nhất gây táo bón. Chế độ ăn này tập trung thực phẩm giàu chất béo, tinh bột mà ít chất xơ. 

Chất xơ trong rau củ quả sẽ giúp làm mềm phân. Thiếu chất xơ thường xảy ra ở những người có thói quen ăn đồ ăn nhanh, nuốt vội, sử dụng đồ uống có chất kích thích như cà phê, rượu, bia… Những thực phẩm này góp phần tăng nặng tình trạng táo bón. Sử dụng trong thời gian dài sẽ càng khiến tình trạng táo bón kéo dài và tần suất đi đại tiện giảm.

 

Chế độ ăn thiếu chất xơ gây tình trạng táo bón 

Căng thẳng

Khi bạn bị căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra hormone epinephrine có vai trò điều hướng lượng máu tới cơ quan được ưu tiên như hệ thần kinh, tuần hoàn, nội tiết. Lượng máu tới ruột giảm làm nhu động ruột chậm lại, phân tích tụ trong lòng ruột và trở nên khô rắn.

Ngoài ra, những người bị căng thẳng có xu hướng ít vận động và chế độ ăn uống nhiều đồ béo ngọt hơn thông thường. Hai điều trên dẫn tới táo bón kéo dài ở những người thường xuyên căng thẳng.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số thuốc đặc trị bệnh mạn tính có chứa thành phần góp phần gây táo bón cho người bệnh như thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng cholinergic, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống viêm không steroid,…

Người bệnh không nên tự ý dừng dùng thuốc mà hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để được tư vấn phù hợp.

Bệnh đường ruột

Hội chứng ruột kích thích (IBS) làm tăng nguy cơ bị táo bón. Người bệnh có thể gặp phải các cơn táo bón đau bụng, kèm theo đầy hơi, thay đổi đặc tính của phân. Người bệnh không chỉ gặp một lần mà thường xuyên phải đối mặt với táo bón kéo dài.

Rối loạn nội tiết hoặc rối loạn thần kinh

Rối loạn nội tiết do tuyến giáp kém hoạt động có thể ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, người bệnh dễ gặp phải tình trạng khó đi đại tiện. Táo bón mạn tính cũng có thể phát sinh do các rối loạn sức khỏe tiềm ẩn về thần kinh như bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng, đột quỵ, chấn thương tủy sống, liệt nửa người, tật nứt đốt sống và bệnh thần kinh tự chủ (tổn thương thần kinh).

Táo bón trong thai kỳ hoặc sau sinh

Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ cùng với áp lực từ tử cung chèn ép lên ruột, hoặc do chế độ ăn thay đổi quá nhiều trong thai kỳ như uống viên bổ sung nhiều sắt, canxi, ăn nhiều thực phẩm giàu đạm… đều có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột dẫn đến táo bón. Tình trạng táo bón kéo dài gần như trong suốt thai kỳ và sau thai kỳ do cơ thể chưa ổn định lại.

Triệu chứng của táo bón 

Triệu chứng táo bón có thể dễ dàng nhận biết qua những dấu hiệu như sau:

  • Tần suất đi ngoài ít:  Đối với người lớn, số lần đi đại tiện ít hơn 3 lần/tuần. Đối với trẻ nhỏ dưới 2-3 lần/tuần.  

  • Phân rắn: Do nhu động ruột chậm, thức ăn di chuyển quá chậm qua ruột già. Điều này khiến đại tràng có thêm thời gian hoặc quá nhiều thời gian để hấp thụ nước từ phân, khiến phân trở nên khô, cứng. Một số trường hợp có thể có phân rắn, lổn nhổn thành từng cục như phân dê.

  • Cảm giác đi tiêu không hết: Mỗi lần đại tiện đi xong cảm giác phân chưa hết và vẫn muốn đi tiếp

  • Đau bụng, cứng bụng: Có người đau âm ỉ, có người đau quặn thắt khi phải rặn, cơn đau tập trung ở vùng bụng dưới bên trái, phía dưới bụng. Khi chất cặn bã không được đào thải ra ngoài gây cứng bụng, chướng bụng.

  • Phân lẫn máu, có hạt lổn nhổn: Táo bón khiến phân vón cục, khi đi đại tiện phải rặn mạnh, tác động lên hậu môn, làm nứt hậu môn gây chảy máu.

  • Mệt mỏi, nôn, sốt: Chất cặn bã đọng lại lâu trong ruột già sẽ tích tụ độc tố, gây ra cảm giác buồn nôn khiến thể mệt mỏi hơn.

Đau bụng là một trong những triệu chứng của táo bón 

Tình trạng táo bón lâu ngày gây hại cho đường tiêu hóa và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Trẻ em thì quấy khóc, biếng ăn; người lớn bị táo bón lâu ngày dễ phát triển bệnh trĩ, nứt, rò hậu môn…Vậy nên ngay khi gặp các triệu chứng táo bón, hãy gọi ngay đến tổng đài miễn cước 1800.64.68.66 để được dược sĩ tư vấn.

Điều trị táo bón 

Với trường hợp táo bón kéo dài hay người bị táo bón nặng thì việc dùng thuốc mới đem đến hiệu quả. Các loại thuốc đặc trị thường được bác sĩ sử dụng là:

  • Thuốc thẩm thấu: Sorbitol, Forlax, Lactitol… trong thành phần có chứa muối vô cơ, đường, có tác dụng giữ nước trong lòng ruột, kích thích nhu động ruột thải phân ra ngoài dễ dàng hơn.

  • Thuốc làm mềm phân: Docusat, Norgalax giúp nước thấm vào khối phân, làm mềm phân và dễ di chuyển hơn.

  • Thuốc bôi trơn: bơm trực tiếp vào hậu môn để làm mềm phân.

  • Thuốc nhuận tràng: Bisacodyl, Cascara… kích thích nhu động ruột co bóp để đẩy phân ra ngoài.

Điều trị táo bón bằng thuốc tây theo chỉ định của bác sĩ 

Cách phòng ngừa táo bón 

Táo bón ảnh hưởng nhiều đến hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe người bệnh nói chung như dẫn đến kém hấp thụ, đau đớn khi đi vệ sinh, bệnh trĩ, nứt hậu môn, sa trực tràng,… Những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn và cuộc sống sinh hoạt thường ngày sau đây sẽ giúp giúp bạn không còn phải lo lắng nguy cơ mắc táo bón. 

Uống nhiều nước 

Cơ thể thiếu nước dễ dẫn đến phân bị khô, cứng gây ra tình trạng táo bón. Do đó, để ngăn chặn điều này, bạn nên uống đủ nước mỗi ngày. Liều lượng nước khuyến cáo cho người lớn, khỏe mạnh là 40ml nước/kg cân nặng.

Bạn có thể bổ sung thêm nước trái cây như nước lê hoặc nước táo để ngăn ngừa táo bón do chúng có tác dụng nhuận tràng nhẹ.

Bạn cũng nên giảm uống thức uống có caffeine và alcohol để hạn chế mất nước. Khi uống một ly bia, rượu hoặc một tách cà phê, nhớ uống thêm một ly nước đầy, cùng với lượng nước trung bình mà cơ thể cần.

Uống đủ nước mỗi ngày để phòng ngừa táo bón 

Ăn nhiều chất xơ

Theo TS. Saurabh Sethi, chuyên gia tiêu hóa tại San Francisco, Mỹ, chế độ ăn tăng chất xơ hòa tan có thể ngăn ngừa sự hình thành phân cứng. Người trưởng thành được khuyến nghị nên bổ sung 25-31g chất xơ mỗi ngày bằng cách ăn nhiều loại trái cây, rau, đậu, và ngũ cốc nguyên hạt. 

Ngoài ra, hạt lanh, hạt chia là những nguồn giàu chất xơ hòa tan khác mà bạn có thể thêm vào bữa ăn hàng ngày để có chế độ ăn uống phong phú.

Tập thể dục nhiều hơn

Nhiều nghiên cứu đã báo cáo rằng, tập thể dục có thể giúp cải thiện các triệu chứng táo bón. Một số hoạt động được khuyến cáo cho người táo bón là đi bộ thường xuyên, bơi lội, đạp xe hoặc chạy bộ...

Bổ sung lợi khuẩn probiotic

Lợi khuẩn probiotic là vi khuẩn sống, có lợi trong ruột, có thể giúp ngăn ngừa táo bón. Bổ sung lợi khuẩn này bằng các thực phẩm chứa probiotic như sữa chua, dưa cải bắp, kim chi hoặc men vi sinh...

Bên cạnh đó, để cải thiện tình trạng táo bón, bạn nên thêm vào chế độ ăn hằng ngày thực phẩm chứa prebiotic. Đây là một chất xơ carbohydrate hỗ trợ hệ tiêu hóa bằng cách nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong ruột, giúp tăng cường men vi sinh và cải thiện sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột.

Một số thực phẩm chứa prebiotic bao gồm rau diếp xoăn, tỏi, hành, chối, đậu xanh...

Cố gắng tránh các món làm từ sữa

Một số trường hợp bị táo bón có thể do cơ thể mẫn cảm với protein trong sữa gây tác động đến quá trình hấp thu và các chuyển động của ruột.  Vì vậy nên tạm thời loại bỏ sữa và các chế phẩm được làm từ sữa ra khỏi chế độ dinh dưỡng hàng ngày. 

Không nhịn đi đại tiện

Việc trì hoãn đại tiện sẽ gây áp lực lên hậu môn trực tràng, càng làm cho tình trạng táo bón nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ mỗi ngày sẽ giúp nhu động ruột quen và tạo nên phản xạ thúc đẩy việc đi vệ sinh dễ dàng hơn.

Để bệnh táo bón không còn là nỗi sợ hãi, các bạn nên biết cách phòng tránh và điều trị táo bón hiệu quả. Hy vọng rằng bài viết trên sẽ giúp ích được cho các bạn trong quá trình điều trị chứng bệnh thường gặp này. Nếu cần giải đáp thêm thông tin về bệnh táo bón hay tình trạng táo bón vẫn không cải thiện, hãy liên hệ tới tổng đài miễn cước 1800.646866 để được dược sĩ tư vấn hỗ trợ! 

Nguồn tham khảo: 

https://www.healthline.com/health/constipation#causes

https://www.medicalnewstoday.com/articles/150322#symptoms